Sàn bê tông bị nứt là hiện tượng thường gặp trong xây dựng. Một số vết nứt xuất hiện sau vài giờ đổ bê tông, trong khi đó một số vết nhiều năm sau khi thi công mới xuất hiện. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Phương pháp khắc phục nào là an toàn và hiệu quả nhất? Hãy cùng Xây Dựng Thanh Bình tìm hiểu ngay trong bài viết sau!
Nguyên nhân sàn bê tông bị nứt
Việc xác định đúng nguyên nhân gây nứt sàn bê tông sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp xử lý chính xác. Sau đây là 5 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng nứt sàn bê tông
Do tải trọng
Mỗi sàn bê tông khi thiết kế sẽ chịu được một mức tải trọng nhất định. Chính vì vậy mà không thể tăng tải trọng lên sàn lớn hơn mức thiết kế ban đầu. Nhiều gia chủ không để ý điều này khi thay đổi công năng của công trình nên mới có hiện tượng sàn bị nứt. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thay đổi công năng công trình một cách an toàn bằng cách kiểm định kết cấu, gia cường cho kết cấu, để đủ khả năng chịu được tải trọng mới.
Do ảnh hưởng bởi địa chấn
Tác động của địa chấn hoặc tác động từ việc thi công các công trình xung quanh gây rung lắc trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến hiện tượng nứt sàn bê tông. Chủ công trình cần theo dõi cẩn trọng trường hợp này để đưa ra biện pháp xử lý nứt sàn bê tông kịp thời.
Do sàn bê tông khô nhanh
Nguyên nhân xuất hiện vết nứt trên sàn bê tông có thể do nước bốc hơi khỏi bề mặt bê tông quá nhanh. Điều này khiến phần mặt trên của sàn bê tông khô nhanh hơn so với phần đáy. Chính vì thế mà hai mặt của sàn biến dạng khác nhau, từ đó sinh ra lực kéo lẫn nhau và hình thành vết nứt. Hiện tượng này dễ xảy ra khi thi công bê tông vào thời điểm nắng gắt, độ ẩm thấp.
Do chất lượng vật liệu
Trong quá trình đổ bê tông, việc sử dụng cốt liệu xây dựng không tương thích nhau cũng dễ dẫn đến tình trạng nứt sàn bê tông. Ngoài ra, trộn bê tông không đều hoặc bị phân tầng cũng làm giảm cường độ bê tông
Do hàm lượng cốt thép không đạt chuẩn
Hàm lượng cốt thép trong bê tông ít thì cốt thép sẽ không có khả năng chịu lực tốt, dẫn đến kết cấu chuẩn dễ bị phá vỡ. Còn hàm lượng cốt thép quá nhiều thì cốt thép sẽ chịu mọi lực kéo và bê tông cũng sẽ bị phá vỡ. Điều này gây lãng phí vật liệu xây dựng mà còn không mang lại tác dụng. Chính vì vậy, tỷ lệ cốt thép trong bê tông cần đạt đúng tiêu chuẩn để không xảy ra những sự cố ngoài ý muốn khi thi công, tiêu biểu như trường hợp nứt sàn bê tông.
Sàn bê tông bị nứt có nguy hiểm không?
Để có thể trả lời được câu hỏi sàn bê tông bị nứt có nguy hiểm không? Đầu tiên cần phải xác định đúng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt sàn. Để từ đó đánh giá được mức độ nghiêm trọng và xem giải pháp nào là phù hợp nhất.
Đối với những vết nứt nông hoặc rạn nứt chân chim, thực chất sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến kết cấu. Tuy nhiên, những vết nứt này sẽ làm mất mỹ quan và vẻ đẹp của căn nhà. Điều này gây nên cảm giác không thoải mái khi nhìn vào. Đồng thời còn tạo cảm giác thiếu an toàn khi ở trong ngôi nhà bị nứt.
Đối với những vết nứt sâu do kết cấu thì không chỉ dừng lại ở sự mất thẩm mỹ. Vấn đề này sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường như bị đứt gãy, thậm chí là sập sàn nếu nếu kéo dài lâu ngày. Ngoài ra, nếu sàn không đảm bảo thì việc ốp lát các vật liệu sau này như sàn nhựa giả gỗ lên trên sẽ không được tốt.
Cách xử lý sàn bê tông bị nứt triệt để
Việc xử lý các vết nứt trên sàn bê tông là vô cùng quan trọng. Quá trình này cần được tiến hành cẩn thận nếu không các vết nứt lan rộng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Việc đầu tiên là bạn cần phải phân loại vết nứt, với các vết nứt do nội sinh hoặc kết cấu cần phải xử lý kỹ hơn.
– Bước 1: Kiểm tra & gia cố lại kết cấu của sàn, đặc biệt chú ý đến vị trí vết nứt. Nếu như bạn không thực hiện bước này thì quá trình trám lại các vết nứt trên bề mặt sẽ không bền vững, chúng có thể bị bong ra lại sau một thời gian ngắn.
– Bước 2: Bịt khe hở, trám & xử lý vết nứt để không khí và nước không ngấm sâu vào trong, gây ảnh hưởng đến kết cấu bê tông. Bạn có thể sử dụng các vật liệu chống thấm như intoc, sika.
– Bước 3: Vệ sinh lại bề mặt sàn bê tông sau quá trình gia cố và xử lý.
Việc xử lý cần được tiến hành ngay sau khi phát hiện ra hiện tượng. Gia chủ nên tìm đến đơn vị xử lý chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật tốt nhất.
Lưu ý để tránh xảy ra tình trạng sàn bê tông bị nứt
Để phòng tránh tình trạng nứt sàn bê tông trước, trong và sau khi thi công các công trình, đơn vị xây dựng cần lưu ý một vài vấn đề sau đây:
Quản lý chất lượng đầu vào
– Thứ nhất, kiểm soát chất lượng xi măng: xi măng phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hồ sơ thiết kế. Nên sử dụng xi măng được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín trên thị trường.
– Thứ hai là kiểm soát chất lượng của cốt liệu như đá, cát,… chặt chẽ. Kích cỡ của đá trộn bê tông phải phù hợp với thiết kế cấp phối & chiều dày cấu kiện. Tuyệt đối không sử dụng cát mịn, cát đen, cát nhiễm mặn để trộn bê tông.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình đổ bê tông
– Quá trình trộn bê tông phải đảm bảo trộn đúng tỉ lệ theo cấp phối và đúng loại vật liệu như quy định.
– Trong quá trình đổ bê tông phải đầm rung để đảm bảo tính đồng nhất cũng như cường độ bê tông. Đầm bê tông đúng cách giúp tránh hiện tượng bị rỗ, rỗng bên trong và tránh hiện tượng phân tầng.
– Đảm bảo độ dày bê tông đúng theo thiết kế.
– Phải dưỡng ẩm cho bê tông, nhất là sau khi vừa hoàn thiện xong bề mặt sàn. Cần có biện pháp che phủ để hạn chế bay hơi nước bề mặt.
– Bê tông cần đạt đủ cường độ mới được tiến hành tháo coffa và giàn chống bên dưới.
Trên đây là nguyên nhân và cách xử lý sàn bê tông bị nứt hiệu quả. Hy vọng bài viết của Xây Dựng Thanh Bình đã cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn có một công trình bền vững.