Nứt bê tông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm chất lượng và tuổi thọ của công trình. Vậy độ rộng vết nứt cho phép của bê tông là bao nhiêu và phương pháp nào xử lý rạn nứt bê tông triệt để nhất? Theo dõi hết bài viết của Xây Dựng Thanh Bình để có câu trả lời chính xác.
Các nguyên nhân gây ra vết nứt bê tông
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt bê tông, dưới đây là các nguyên nhân thường gặp nhất:
– Thời tiết: thời tiết khắc nghiệt nhất là vào những ngày nắng nóng làm bê tông bị co giãn, dễ bị nứt hơn.
– Kết cấu của nền móng: địa chất xung quanh móng không đều hoặc các cột gia công không chắc chắn sẽ làm lún móng, dẫn đến nứt bê tông
– Chất lượng bê tông: vết nứt bê tông thường xuất hiện ở các công trình sử dụng bê tông chất lượng kém, không có khả năng chịu lực nén cường độ cao.
– Chất lượng cốt thép: cốt thép sắp xếp quá rộng, quá thưa cũng là nguyên nhân gây ra các vết nứt bê tông.
– Những tác động vật lý.
– Hình dạng thiết kế của công trình.
– Quy trình bảo dưỡng bê tông không đúng kỹ thuật.
Tại sao nên khắc phục vết nứt bê tông?
Hầu hết các khuyết tật trên bê tông thường gặp nhất là các vết nứt. Chúng là kênh dẫn làm bê tông dễ bị tấn công hơn bởi sự xâm nhập của những yếu tố nguy hại, từ đó dễ xảy ra hiện tượng nứt, vỡ và bê tông bị mài mòn nhanh hơn.
Nếu kiểm soát vấn đề nứt trong khi thi công, ta có thể làm tăng tuổi thọ của kết cấu bê tông, tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc sửa chữa, xây mới. Khi bê tông không có vết nứt, thì bề mặt cũng đẹp hơn cũng như tạo sự an toàn cho người trong nhà.
Tuy nhiên, nếu sau khi công trình đã đưa vào sử dụng thì mới bắt đầu xuất hiện các vết nứt thì bạn đừng lo lắng quá vì vẫn có giải pháp khắc phục được. Trước hết, cần xác định bề rộng của vết nứt để xem chúng có vượt quá ngưỡng cho phép hay không.
Bề rộng vết nứt cho phép của bê tông là bao nhiêu
Vị trí và nguyên nhân gây ra vết nứt trên bê tông sẽ ảnh hưởng đến bề rộng của vết nứt cho phép. Dưới đây là quy định về mức độ trong sự cho phép của các loại vết nứt:
– Đối với dầm, sàn bị võng: vết nứt chỉ được < 1mm.
– Đối với vùng giữa phần nhịp của dầm chịu kéo: vết nứt chỉ được < 0.5mm.
– Đối với vết nứt vì lực cắt: vết nứt chỉ được < 0.4mm.
– Đối với cốt thép của dầm, sàn đã bị ăn mòn: vết nứt chỉ được < 1mm.
– Đối với cốt thép chịu lực có vết nứt dạng thẳng đứng: vết nứt chỉ được < 1mm.
– Đối với vết nứt dạng đan xiên: vết nứt chỉ được < 0.4mm.
– Đối với thanh cánh hạ có vết nứt dạng nằm ngang: vết nứt chỉ được < 1mm.
Cách xác định chiều rộng vết nứt cho phép của bê tông
Khảo sát hiện trạng vết nứt bê tông
Việc khảo sát vết nứt bê tông để xác định xem hiện tượng nứt của kết cấu đã ổn định hay vẫn còn đang phát triển. Cần chú ý đến những vấn đề sau đây:
– Vị trí, đặc trưng phân bố của vết nứt.
– Phương và hình dạng vết nứt.
– Kích thước của vết nứt (bề rộng, chiều dài).
– Thời điểm xuất hiện vết nứt.
– Sự phát triển của vết nứt theo thời gian.
– Các đặc trưng khác như bê tông bị bong rộp hoặc nén vỡ.
Đo chiều rộng vết nứt
– Dùng máy siêu âm
Cơ chế: sử dụng sóng truyền để xác định độ rộng của vết nứt bê tông. Ngoài ra thiết bị này còn có thể kiểm tra được chất lượng của cấu trúc bê tông.
Ưu điểm: sử dụng máy siêu âm vết nứt không gây ảnh hưởng đến kết cấu bê tông. Thực hiện dễ dàng. Độ chính xác cao.
– Dùng thước
Dùng thước kẻ đo trực tiếp chiều rộng của vết nứt. Cách này tuy dễ thực hiện nhưng không mang độ chính xác cao.
Cách xử lý vết nứt của bê tông
– Dùng Sika trám: Sika có thể dùng được cho nhiều loại bề mặt khác nhau, giúp xử lý các vết nứt độ rộng từ 1mm – 5mm. Có 02 loại Sika được dùng nhiều nhất hiện nay là Sikadur 731 & Sikadur 752. Khi sử dụng, bạn dùng máy nén bơm Sika vào xilanh rồi cố định lên trên bề mặt có vết nứt.
– Dùng keo dán cho bê tông: Đây là cách xử lý vết nứt được ưa chuộng hiện nay. Một số loại keo dán chống thấm tốt cho bê tông phổ biến là: Silicone Apollo, Acrylic, Hichem 5003, TX911,…
– Dùng dung dịch chứa 2 thành phần: Có thể sử dụng dung dịch chứa 2 thành phần như Masterseal 540 để xử lý các vết nứt nhỏ với số lượng nhiều.
Một số lưu ý để tránh nứt sàn bê tông
Để phòng tránh tình trạng nứt bê tông xảy ra trước, trong và sau khi thi công công trình, các đơn vị xây dựng cần lưu ý các vấn đề sau đây:
– Tuân thủ nghiêm ngặt quy định trong quá trình thi công nền móng công trình và quy trình đổ bê tông.
– Thực hiện biện pháp bảo dưỡng bê tông đúng cách sau khi đổ bê tông.
– Chú ý đến điều kiện thời tiết, khí hậu khi thi công công trình.
– Thực hiện các biện pháp cắt chống lún, chống nứt tối ưu cho sàn bê tông. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong việc phòng tránh và xử lý các vết nứt sàn bê tông.
Mong rằng những kiến thức về vết nứt cho phép của bê tông mà Xây Dựng Thanh Bình chia sẻ đã giúp bạn tìm được phương pháp xử lý các vết rạn nứt bê tông hiệu quả. Nếu công trình của bạn đang có dấu hiệu của các vết nứt này thì nên liên hệ đơn vị sửa chữa xây dựng để xử lý kịp thời.